Header Ads Widget

Lịch tiêm phòng đầy đủ cho trẻ theo từng độ tuổi

Tiêm phòng là biện pháp an toàn và tốt nhất để ngăn ngừa bệnh tật. Đối với trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, hệ miễn dịch còn non yếu nên có nguy cơ cao đối với các bệnh lý lây truyền. Nếu trẻ được tiêm phòng đầy đủ, hệ miễn dịch sẽ được cải thiện và sản sinh ra kháng thể để chống lại tác nhân gây bệnh. Dưới đây sẽ là thông tin chi tiết về lịch tiêm phòng cho trẻ theo từng độ tuổi để giúp cha mẹ chủ động ghi nhớ, tránh bỏ qua thời điểm chích ngừa tốt nhất cho con.

1. Lợi ích của việc cho trẻ đi tiêm phòng

Dưới 5 tuổi là thời điểm hệ miễn dịch của trẻ vẫn còn chưa hoàn thiện, sức đề kháng yếu, nhất là độ tuổi sơ sinh. Điều đó khiến cho trẻ dễ mắc các bệnh lý truyền nhiễm.

Thực tế hiện nay điều kiện môi trường rất phức tạp, thời tiết thay đổi thất thường,... nên mầm bệnh có điều kiện thuận lợi để phát triển và lây lan. Đó là còn chưa kể đến có rất nhiều dịch bệnh ngày càng diễn biến khó lường, tăng tỷ lệ người mắc như: Covid-19, cúm A, sốt xuất huyết, viêm phổi,...

Mặc dù y học hiện đại đã rất phát triển nhưng có một số bệnh, khả năng điều trị vẫn còn hạn chế, thậm chí có trường hợp dù đã được điều trị kịp thời vẫn có thể để lại di chứng nguy hiểm hoặc bị tử vong. Tất cả thực trạng này chính là lý do bố mẹ cần lưu ý lịch tiêm phòng cho trẻ để cho con chích ngừa, giúp cho sức khỏe của trẻ được bảo vệ tối đa.

Cho trẻ đi tiêm phòng là cách giúp cho cơ thể của trẻ tạo ra kháng nguyên chủ động, kích thích hệ miễn dịch sản sinh kháng thể. Kháng thể mới hình thành này sẽ tiêu diệt vi khuẩn, virus và lưu lại trong máu để bảo vệ và giúp cơ thể chống lại chính những tác nhân đó trong lần xâm nhập sau.

2. Chi tiết lịch tiêm phòng cho trẻ theo độ tuổi

2.1. Trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh cần được tiêm phòng càng sớm càng tốt, gồm các loại vắc xin sau:

- Vắc xin phòng ngừa viêm gan B: tiêm trong 24 giờ sau sinh.

- Vắc xin phòng lao: tốt nhất nên tiêm trước khi trẻ đủ 28 ngày tuổi.

2.2. Trẻ 2 tháng tuổi

Lịch tiêm phòng cho trẻ 2 tháng tuổi cần nhớ các mũi sau:

- Vắc xin 6 trong 1 mũi thứ nhất (phòng bệnh ho gà, uốn ván, bạch hầu, bại liệt, bệnh do Hib type B gây ra và bệnh viêm gan B): hiện có các loại là vắc xin Infanrix hexa (Bỉ), Hexaxim (Pháp).

- Vắc xin 5 trong 1 mũi thứ nhất (phòng bệnh giống mũi 6 trong 1, chỉ khác là không có thành phần kháng viêm gan B): hiện có hai loại là Pentaxim (Pháp) và Infanrix IPV + Hib (Bỉ).

- Vắc xin phòng Rotavirus gây ra bệnh tiêu chảy cấp liều thứ nhất: hiện có các loại: Rotavin-M1 (Việt Nam), Rotateq (Mỹ) và Rotarix (Bỉ).

- Vắc xin phòng viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa do phế cầu khuẩn mũi thứ nhất: hiện có 2 loại là Prevenar 13 (Bỉ) và Synflorix (Bỉ).

2.3. Trẻ 3 tháng tuổi

- Vắc xin 6 trong 1 hoặc 5 trong 1 như khi trẻ 2 tháng tuổi nhưng đây là mũi tiêm thứ hai.

- Vắc xin phòng tiêu chảy cấp do Rotavirus liều thứ 2.

2.4. Trẻ 4 tháng tuổi

- Vắc xin 6 trong 1 hoặc 5 trong 1 như lịch tiêm phòng cho trẻ 3 tháng tuổi nhưng đây là mũi thứ ba.

- Vắc xin phòng viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa do phế cầu khuẩn mũi thứ hai: hiện có 2 loại là Prevenar 13 (Bỉ) và Synflorix (Bỉ).

- Vắc xin phòng tiêu chảy cấp do Rotavirus liều thứ 3.

2.5. Trẻ 6 tháng tuổi

- Vắc xin phòng bệnh cúm: Vaxigrip Tetra (Pháp), tiêm hai mũi, mỗi mũi cách nhau 1 tháng.

- Vắc xin phòng viêm não mô cầu BC mũi thứ nhất:vắc xin VA-MENGOC-BC (Cu ba).

- Vắc xin phòng viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa do phế cầu khuẩn mũi thứ ba: hiện có 2 loại là Prevenar 13 (Bỉ) và Synflorix (Bỉ).

2.6. Trẻ 9 tháng tuổi

- Vắc xin phòng viêm não mô cầu BC mũi thứ hai: vắc xin VA-MENGOC-BC (Cu ba).

- Vắc xin phòng sởi: sởi đơn, MVVac (Việt Nam).

- Vắc xin phòng thủy đậu: Varilrix (Bỉ).

- Vắc xin phòng viêm não Nhật Bản mũi thứ nhất: Imojev (Thái Lan).

- Vắc xin 3 trong 1 phòng sởi - quai bị - rubella mũi thứ nhất: hiện có 3 loại là: Priorix (Bỉ), MMR-II (Mỹ), MMR (Ấn Độ).

2.7. Trẻ 12 tháng tuổi

- Vắc xin 3 trong 1 phòng sởi - quai bị - rubella mũi thứ hai: hiện có 3 loại là: Priorix (Bỉ), MMR-II (Mỹ), MMR (Ấn Độ).

- Vắc xin phòng thủy đậu cho trường hợp chưa tiêm Varilrix (Bỉ): Varicella hoặc Varivax.

- Vắc xin phòng viêm não Nhật Bản B: Jevax (Việt Nam), tiêm 2 mũi, mỗi mũi cách nhau tối thiểu 1 tuần.

- Vắc xin phòng bệnh viêm gan A mũi thứ nhất: Avaxim 80U/0.5ml.

- Vắc xin phòng viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa do phế cầu khuẩn mũi thứ tư: hiện có 2 loại là Prevenar 13 (Bỉ) và Synflorix (Bỉ).

2.8. Trẻ 15 - 24 tháng

- Vắc xin 6 trong 1 hoặc 5 trong 1 mũi thứ tư.

- Vắc xin phòng bệnh viêm gan A mũi thứ hai: Avaxim 80U/0.5ml.

- Vắc xin phòng bệnh cúm mũi thứ ba: Vaxigrip Tetra (Pháp).

2.9. Trẻ 24 tháng trở đi

- Vắc xin phòng bệnh não mô cầu A, C, W-135, Y: Menactra (Mỹ).

- Vắc xin phòng viêm não Nhật Bản B mũi thứ ba: Jevax (Việt Nam).

- Vắc xin phòng bệnh thương hàn: Typhim VI/Typhoid VI.

- Vắc xin phòng bệnh tả: mORCVAX (Việt Nam), 2 liều uống, mỗi liều cách nhau 2 tuần.

3. Những trường hợp trẻ không nên tiêm và hoãn tiêm phòng

3.1. Không nên tiêm phòng cho trẻ khi

Các lịch tiêm phòng cho trẻ trên đây không áp dụng cho các trường hợp chống chỉ định chích ngừa sau:

- Trẻ có tiền sử dị ứng nặng, bị dị ứng hoặc sốc sau tiêm vắc xin.

- Trẻ bị suy chức năng ở các cơ quan trong cơ thể.

- Trẻ bị suy giảm miễn dịch không được tiêm vắc xin sống.

- Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV không được điều trị dự phòng lây truyền không được tiêm vắc xin phòng lao.

- Một số trường hợp chống chỉ định từ nhà sản xuất vắc xin.

3.2. Hoãn lịch tiêm phòng cho trẻ khi

Những trường hợp sau được Bộ Y tế khuyến cáo cần hoãn tiêm phòng cho trẻ đến khi sức khỏe của trẻ ổn định trở lại:

- Trẻ bị suy chức năng ở các cơ quan trong cơ thể.

- Trẻ bị bệnh cấp tính nhiễm trùng.

- Trẻ đã dùng sản phẩm globulin miễn dịch trong 3 tháng trước tiêm chủng(trừ trường hợp dùng kháng huyết thanh viêm gan A, B) cần hoãn tiêm vắc xin sống giảm độc lực.

- Trẻ đang trong đợt điều trị hoặc mới kết thúc điều trị Corticoid liều cao, đã xạ trị hoặc hóa trị trong vòng 14 ngày trước chích ngừa, cần hoãn tiêm vắc xin giảm động lực và vắc xin sống.

- Trẻ bị bệnh lý bẩm sinh mạn tính, cần được khám sàng lọc để tiêm chủng ở bệnh viện.

Hy vọng những chia sẻ trên đây đã giúp các bậc cha mẹ nắm được thông tin cơ bản về lịch tiêm phòng cho trẻ để chủ động chích ngừa cho con mình. Nếu khi đến lịch mà trẻ phải hoãn tiêm vì bất kỳ lý do gì thì cha mẹ nên cố gắng cho con đi tiêm phòng sớm nhất có thể.

Nguồn: NhiKhoa.com